PHÚC ĐẦU TIÊN CỦA TÁM MỐI PHÚC
Người Công Giáo chúng ta quá quen với Tám Mối Phúc Thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước Trời.

Bước vào mối phúc đầu tiên, đa phần chúng ta thấy khớp với cái đòi hỏi nghiệt ngã của Nước Trời : “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ”.

Cái tâm hồn phúc ấy thật sự phải được diễn tả, bày tỏ qua đời sống bên ngoài chứ không thể nào dựa vào cái gọi là tâm hồn được. Lòng đầy miệng mới tràn ra là như vậy !

Thật thế, con người khó để mà sống cái nghèo triệt để được vì lẽ “đồng tiền nó dính liền khúc ruột” cơ mà ! Và có khi “tiền là tiên là phật” nữa cơ. Chính vì thế để từ bỏ, không gắn bó với tiền của quả là điều thách thức lớn với cuộc đời của con người.

Lịch sử Giáo Hội Công Giáo vẫn còn in bóng vị thánh nghèo mang tên Phanxicô. Phanxico khó khăn đã thật sự sống nghèo vì Chúa và vì Nước Trời. Chính vì thế, cái nghèo nơi cuộc đời Thánh Phanxicô luôn luôn được đề cao và trân trọng. Tinh thần, sự khó nghèo nơi cuộc đời Thánh Phanxicô phải chăng là thách thức của mọi người mọi thời và mọi nơi.

Và như chúng ta đều biết, cái nghèo là một trong ba cột trụ của lời khấn dòng (khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời). Thiếu 1 trong 3 điều này thì nó sẽ không trở thành lời khấn dòng. Khó nghèo phải chăng là một thách thức lớn, một thử thách lớn trong đời tận hiến. Có người giữ được đức khiết tịnh và vâng lời nhưng cái nghèo không giữ được vì lẽ lòng quá quyến luyến với của cải vật chất và dường như không từ bỏ được.

Cái phúc khó nghèo, sống nghèo đó chả phải chỉ dành cho người tu mà cho những ai là môn đệ của Chúa. Người môn đệ của Chúa phải sống cái nghèo trong cuộc đời để có Nước Trời là gia nghiệp.

Thử thách của sống nghèo không phải là đơn giản và cũng chẳng dễ dàng gì nhất là trong đời sống hiện tại khi đời sống vật chất lên ngôi cùng với sự hưởng thụ luôn cám dỗ con người.

Thực tế ta thấy ngày hôm nay người ta chạy theo xe cộ, điện thoại và nhà ở. Nếu như vài chục năm về trước khi sống ở thời nghèo như nhau thì người ta đâu đua nhau đổi xe hay điện thoại. Nhà ở thì sao cũng được miễn tới tối có chỗ chui ra chui vào. Nhưng đến thời đại thay đổi và phát triển thì nhu cầu vật chất của con người càng lên theo. Nhu cầu càng cao thì sự buông bỏ ngày càng một khó.

Những ngày này, cộng đồng “phát số” lên với một chàng thanh niên sống nghèo. Chàng khẳng định chàng không phải là người tu và đừng gọi chàng là thầy. Thế nhưng rồi cách sống của chàng làm “rung chuyển” bao người đi tu. “Rung chuyển” là vì từ trước đến nay, người ta bình thản trước lối sống tu mà thụ hưởng vật chất theo lối nhìn bình thường cũng như chuyện cúng dường càng nhiều càng tốt trong khi đó anh chàng không tu này sống tinh thần nghèo khó triệt để hơn cả nhà tu. Ở góc cạnh nào đó thì anh quả là người mẫu mực cho đời sống nghèo và thanh thoát với vật chất.

30 chưa gọi là Tết mà ! Hay chưa biết phút cuối của cuộc đời là thế nào để rồi mọi người nên bình tĩnh.

Ngoài Công Giáo có ơn cứu độ không ? Những ai chưa lãnh nhận Phúc Âm cũng được an bài bằng nhiều cách để thuộc về Dân Thiên Chúa. Trước tiên phải kể dân tộc đã lãnh nhận lời hứa và giao ước, mà bởi dân ấy, Chúa Kitô đã sinh ra theo thể xác (x. Rm 9,4-5).

Họ là dân rất được yêu quí, bởi đã được tuyển chọn vì cha ông họ: Thiên Chúa không ân hận gì vì đã ban ơn và kêu gọi họ (x. Rm 11,28-29). Nhưng kế hoạch cứu độ cũng còn bao hàm những ai nhận biết Ðấng Tạo Hóa: trước tiên phải kể đến người Hồi Giáo; họ xưng rằng họ giữ đức tin của Abraham; cùng với chúng ta, họ thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, nhân từ, Ðấng sẽ phán xét loài người trong ngày sau hết. Những kẻ đang tìm kiếm Thiên Chúa trong bóng tối và qua ngẫu tượng, Thiên Chúa mà họ không biết, cả những kẻ ấy, Ngài cũng không xa họ, bởi vì chính Ngài ban cho mọi người sự sống, hơi thở và tất cả mọi sự (x. CvTđ 17,25-28), và vì là Ðấng Cứu Thế, Ngài muốn mọi người đều được cứu rỗi (x. 1Tm 2,4).

Thực thế, những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi.

Thực vậy, Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ như để chuẩn bị họ lãnh nhận Phúc Âm, và như một ân huệ mà Ðấng soi sáng mọi người ban cho hầu cuối cùng họ được sống. Nhưng thường con người bị ma quỉ gạt gẫm làm sai lạc phán đoán của mình khiến họ đánh đổi chân lý Thiên Chúa lấy sự giả dối, khiến họ phụng sự tạo vật hơn là phụng sự Ðấng Tạo Hóa (x. Rm 1,21 và 25); hoặc vì họ sống chết như không có Thiên Chúa trên đời này, nên liều mình rơi vào sự thất vọng tột độ. Vì hằng quan tâm làm vinh danh Thiên Chúa, và cứu rỗi tất cả những người ấy và hằng nhớ lời Chúa truyền: “Hãy rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật” (Mc 16,15)

Phút cuối, chàng thanh niên này ngộ ra một Thiên Chúa là Đấng Chân Thiện Mỹ để anh tin và theo thì sao ?

Tôi cứ miên man suy nghĩ về cuộc đời của con người. Cũng như Giuđa, đâu biết phút cuối anh đã có tâm tình gì ? Nếu anh sám hối chắc chắn anh được hưởng ơn cứu độ.

Chàng thanh niên đang hút dư luận cũng thế, tôi trộm nghĩ (theo cái nghĩ của cá nhân), biết đâu được một ngày nào đó anh tin nhận Chúa và Anh theo Chúa thì khi ấy Anh đã có một chân trong Nước Trời vì Anh đã sống sự nghèo khó trong cuộc đời. Còn tôi, mang tiếng là đi tu ấy nhưng tôi có cảm cũng như sống sự nghèo khó trong cuộc đời hay tôi còn thu vén về cho mình.

Tôi mang danh là đi tu đó nhưng tôi chưa từ bỏ được như Anh, tôi vẫn còn lo lắng quá nhiều cho đời về vật chất. Tôi xấu hổ khi tôi chưa buông bỏ triệt để như Anh.

Xét một góc cạnh nào đó, tôi nể Anh vì dù là chưa biết Chúa hay không biết Chúa nhưng Anh đã sống cái mối phúc thật thật ngay trong cuộc đời của Anh rồi.

Lm. Anmai, CSsR