ĐAU KHỔ VÀ CHỮA LÀNH
Phàm là người, sinh ra trong cuộc đời nà thì ai ai cũng có những đau khổ. Không ai thoát khỏi đau khổ. Có khi đau khổ do thể xác và đau khổ về tình thần. Và đứng trước đau khổ, ai ai cũng mong mình được chữa lành.

Đứng trước những đau khổ, con người thường tìm đủ mọi cách để thoát khổ. Con người dù là ai đi chăng nữa thì vẫn là động vật yếu đuối nên mong ai nào đó chữa lành.

Đánh vào tâm lý đau khổ của con người, nhóm này nhóm kia người này người kia ra tay cứu đời. Nhưng dù là ai đi chăng nữa, những người đó rồi cũng sẽ không tránh khỏi cái chết. Cái chết là đích đến của đời người.

Một thời, cả bản thân tôi nghe tên vị thần y. Mình cũng muốn gặp để được chữa lành. Thời gian dần trôi thì vị thần y đó được vạch trần ra là thần y đại bịp chứ không phải là thần y đại hiệp.

Nói chuyện với một Cô thân quen, Cô kể Cô có người bạn thân nhất bây giờ đang đi theo nhóm Nhà Chúa Cha gì đó để trừ quỷ và chữa lành. Trước thì còn hỏi thăm chứ giờ không dám vì sợ bị lạc giáo theo người này.

Cô nói rằng nhóm này nhiều người tin và người theo lắm vì họ tin là theo để được chữa lành.

Thật sự, khi đứng trước đau khổ thể xác và tâm lý tôi băn khoắn lắm vì lẽ tôi cũng rơi vào bệnh tật nên cũng muốn được chữa lành. Hàng ngày vẫn dùng thuốc và vừa uống vừa cầu nguyện. Nguyện là nguyện cái gì ? Nguyện xin Chúa chữa con theo như ý Chúa và xin cho con theo như ý Chúa chứ đừng theo ý con.

Nếu như theo ý con thì Chúa biết rồi. Con cũng như ai đó bệnh cũng muốn được chữa lành. Nhưng đâu phải ai ai cũng được và rồi trong thực tế mỗi người đều có chứng bệnh gì đó trong mình có khi là chết mang theo.

Tôi suy tư nhiều về chuyện chữa lành lắm. Nếu như tôi đến với Chúa và tôi xin Chúa chữa cho tôi cái này cái kia. Nếu như Chúa không chữa thì một là tôi không tin vào Chúa nữa, hai là không có Chúa vì nếu có Chúa thì chắc chắn Chúa chữa lành vì lẽ Chúa thương hết người thế mà.

Và nếu tôi đặt tâm thế như thế tôi dễ đánh mất niềm tin vào Chúa.

Khi nhìn vào đau khổ. Tôi chiêm ngắm thập giá. Nhờ và qua cây thập giá Chúa cứu độ con người và đó là mầu nhiệm đau khổ. Tại sao Chúa lại không cứu con người bằng con đường nào đó cao, sang và đẹp hơn mà Chúa lại chọn thập giá.

Đứng trước nỗi đau của thể xác, của sự cô đơn của cuộc đời, Chúa Giêsu đã từng nói : “Lạy Cha ! Xin Cha cất khỏi con chén này nhưng đừng theo ý con mà xin theo ý Cha !”. Trong cùng cực của sự cô đơn : “Lạy Cha ! Sao Cha bỏ con ?”

Chính Chúa Giêsu đã đối diện với khổ đau và cô đơn nhất của cuộc đời. Cuối cùng, Chúa Giêsu uống trọn chén đắng mà Chúa Cha trao gửi.

Khi suy nghĩ về điều này, tôi nhận ra rằng chính Chúa Giêsu còn chịu khổ nhục cay đắng như thế. Tôi là ai mà tôi xin Chúa cho tôi khỏi chén đắng của cuộc đời. Kèm theo đó, Chúa Giêsu còn “khuyến mãi” : Ai không vác thập giá theo tôi thì không phải là môn đệ của tôi.

Rất rõ ràng không úp mở ! Phải là người vác thập giá thì mới là môn đệ của Chúa Giêsu.

Khi suy nghĩ như thế, tôi lại nhận ra rằng nếu mình xin điều này điều kia hay xin chữa lành dù là thể xác hay tinh thần thì khi đó mình có còn là môn đệ của Chúa thật sự hay không khi mình buông bỏ đau khổ trong cuộc đời. Khi mình đón nhận khổ đau, đón nhận thập giá thì mình mới là môn đệ của Chúa chứ ! Và như vậy, với tất cả những nỗi đau trong cuộc đời, tôi không bao giờ than thân trách phận hay than van với Chúa. Tôi chỉ xin Chúa cho tôi đủ sức để tôi vác những đau khổ tôi đang mang theo Chúa đến giây phút cuối cuộc đời thôi.

Dạo này, tôi hay nghe người ta nói với nhau chuyện chữa lành. Chữa lành là thế nào ? Chữa lành theo người ta đang hô hào là đi nghỉ dưỡng, đi hưởng thụ ... Lành hay không là do mình thôi.

Giả như mình bị vết thương nào đó thì mình tự tìm cách chữa lành bằng cách dùng thuốc cũng như tự chăm sóc sức khỏe cho mình chứ không phải là người nào khác hay đi đâu đó.

Chữa lành đời sống tâm linh phải chăng là phương pháp, là con đường đến với Chúa và gặp Chúa vì chỉ có duy nhất mình Chúa mới là vị “bác sĩ” của đời ta mà thôi.

Có khi con người ta đến với Chúa kiểu đến cho xong, đến cho đủ lần đủ lượt hay đến như trả nợ quỷ thần thì làm sao người ta có thể gặp Chúa được. Thời gian trong ngày và trong tuần Chúa cho người ta rất nhiều nhưng thực sự người ta dành cho Chúa được bao nhiêu và trong thời gian ở bên Chúa đó họ có thật sự gần Chúa hay không hay chỉ là gần theo phương diện thể xác còn tâm hồn thì xa Chúa.

Đau khổ ! Như đã nói, ai ai cũng đau khổ và mỗi người đón nhận đau khổ đó như thế nào.

Nếu không khéo, người ta sẽ dễ chạy theo những thần y đại bịp hay nhóm này nhóm kia. Nhóm này nhóm kia dù thế nào đi chăng nữa cũng là những con người phàm trần chứ chả phải là ai cao cả cả. Tất cả trong thân phận con người đều chịu ảnh hưởng và định luật của con người là sinh lão bệnh tử.

Tôi vẫn cứ chờ xem những người tự phong tự xưng mình là thần y. Xem tuổi thọ họ được bao nhiêu và xem trong người của họ có bệnh gì hay không ? Tôi cũng chờ xem cái nhóm gì đó Nhà Chúa Cha hay Trừ Quỷ gì đó xem coi họ như thế nào ? Vài năm nữa hay vày chục năm nữa thì những thành viên gạo cội trong cái nhóm đó cũng qua đời mà thôi. Chả ai là người mà trường tồn vạn kiếp được đâu. Mạnh giỏi chăng là được tám mươi chứ làm gì có chuyện không bao giờ bệnh tật và không bao giờ phải chết và trường sinh bất lão.

Nên chăng nên tỉnh táo về cuộc đời mình. Chả có ai là không đau khổ. Người đau khổ này người đau khổ khác. Điều quan trọng nhất là mình sống cái đau khổ cũng như đối diện với đau khổ như thế nào thôi.

Hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu cũng như cung cách sống của Chúa Giêsu và nhất là xin Chúa thêm sức cho mình để mình được vác thập giá theo Chúa đến cùng thôi.

Như tôi đang bị ngưng thở khi ngủ. Tôi chả dám xin Chúa cất cho tôi khỏi bệnh này. Tôi chỉ xin Chúa cho tôi có máy để thở và để sống trong cái giới hạn của phận người này cho đến ngày nhắm mắt lìa đời thôi.

Kèm theo chuyện ngưng thở, con người của tôi vẫn còn bị giới hạn bởi bệnh tật thể xác và tinh thần. Thế nhưng trong tất cả những điều ấy, tôi chả bao giờ dám xin Chúa chữa lành, chỉ xin Chúa cho tôi đủ sức để đón nhận bệnh tật. Vì lẽ nếu cứ chăm chăm chú chú vào chuyện chữa lành thì khi xin không được thì mình sẽ nản và mất lòng tin cậy vào Chúa trong khi đó Chúa đã, đang và sẽ thương yêu mình nhiều.

Tôi nhìn đau khổ về thể xác và tinh thần là là như thế, phần bạn, bạn nhìn như thế nào đó là chuyện tự do của bạn.

Trong kinh nguyện, tôi xin Chúa thêm ơn cho tôi và cho bạn để tôi và bạn đủ sức để vác thập giá đời mình để theo Chúa cho đến cuối cuộc đời bởi lẽ ngang qua thập giá mới đến được vinh quang mà Chúa đã hứa ban cho những ai là môn đệ thật sự của Chúa. Người môn đệ thật sự của Chúa là người không chối bỏ thập giá mà yêu thương cũng như vui vẻ vác thập giá đời mình mỗi ngày để theo Chúa.

Lm. Anmai, CSsR